Chùa Trung (Thiện Thệ tự) là một ngôi chùa cổ gắn liền với sự hình thành và phát triển văn hóa của miền trung du Bắc Bộ. Là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của Phật tử, nhân dân trong xã và khách thập phương. Sáng 26-11, tại chùa Trung (TP.Sông Công), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nuyên tổ chức khánh thành đại hùng bảo điện, công bố và trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Trung.
Chứng minh cho buổi lễ có Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên, Đại đức Thích Chúc Tiếp, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, cùng chư tôn đức Tăng Ni GHPGVN tỉnh, trụ trì các tự vịn, sơn môn tổ đình Đức Sơn - Từ Nghiêm (BR-VT); đại diện lãnh đạo các cơ quan tỉnh, TP.Sông Công.
Chùa Trung (Thiện Thệ tự) là một ngôi chùa cổ gắn liền với sự hình thành và phát triển văn hóa của miền trung du Bắc Bộ. Là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của Phật tử, nhân dân trong xã và khách thập phương. Trải qua thời gian, ngôi chùa dần xuống cấp trầm trọng.
Được sự quan tâm của GHPGVN tỉnh Thái Nguyên, sự cho phép và tạo điều kiện của các cấp chính quyền, Đại đức Thích Nhuận Phước và nhân dân địa phương đã khởi công trùng tu xây dựng lại ngôi Tam bảo vào ngày 20-10-2021. Sau 3 năm thi công, công trình trùng tu ngôi Tam bảo chùa Trung được hoàn thiện trang nghiêm.
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên đã trao quyết định chính thức bổ nhiệm trụ trì chùa Trung đến Đại đức Thích Nhuận Phước.
Đại đức tân trụ trì có lời phát nguyện làm tròn trách nhiệm trụ trì, phụng sự đạo pháp và dân tộc; hướng dẫn Phật tử tu học theo đúng Hiến chương GHPGVN, Quy chế Ban Tăng sự T.Ư và quy định pháp luật; tích cực tham gia từ thiện xã hội tại địa phương.
Ban đạo từ, Thượng tọa Thích Nguyên Thành sách tấn đến Đại đức tân trụ trì hãy cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt trọng trách mà Giáo hội đã giao phó, phát huy đời sống tâm linh trong bà con lối xóm, kết hợp với Ban Hộ tự làm tốt các công tác Phật sự tại địa phương, tiếp tục xây dựng ngôi Tam bảo ngày càng trang nghiêm.
Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội tỉnh, lãnh đạo chính quyền địa phương đã thực hiện các nghi lễ khánh thành ngôi đại hùng bảo điện chùa Trung.
Với tổng giá trị công trình là 8 tỷ đồng, Nhân dân phật tử và khách thập phương công đức xây dựng được 4.500.000.000 (bốn tỷ năm trăm triệu đồng). Trong đó có tổng công ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Thiên Lộc cúng 50 tấn xi măng, 30 khối cát xây, 50 khối cát trát, 5 vạn gạch xây, 300 m2 gạch lát nền. Gia đình Phật tử ở Bắc Ninh công đức 2 tỷ đồng; Gia đình Phật tử Thái Nguyên công đức 2 tỷ đồng, và nhân dân phật tử phát tâm công đức vật liệu xây dựng bằng hiện vật.
Chùa Trung nằm trên địa bàn phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Ngôi chùa thủa xưa, vốn là một chốn đại danh lam, được khai sơn vào đời vua Lý Thần Tông, niên hiệu Thiên Thuận (1128-1132). Trải qua bao biến cố thăng trầm cùng vận nước, ngôi chùa cũng dần xuống cấp theo thời gian. Cho đến khoảng thập niên 1980, bà con nhân dân Phật tử mới xây dựng được một vài công trình tạm để phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân. Đến tháng 9 năm 2014, các cấp chính quyền, ban hộ tự cùng nhân dân đã thỉnh Đại đức Thích Nhuận Phước về trụ trì chùa Trung. Những năm sau đó, nhà Chùa cùng nhân dân phật tử tu sửa chùa nhiều lần nhưng cũng chỉ là chắp vá, 4 gian chùa nhỏ lợp mái ngói thô sơ; Tam Bảo thờ chung cùng với nhà thờ Mẫu. Sau nhiều năm mưa nắng, ngôi Tam bảo đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đại đức Thích Nhuận Phước – trụ trì chùa Trung cho biết: Để đảm bảo an toàn cho nhân dân Phật tử về làm lễ và sinh hoạt tín ngưỡng, thể theo đề nghị của sư Thầy trụ trì và ban hộ tự, được sự đồng ý của các cấp lãnh đạo Đảng chính quyền địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, Ngôi Tam Bảo đã chính thức khởi công tu sửa lại vào ngày 26 tháng 10 năm 2021, theo đúng hướng và trên nền đất cũ, toàn bộ hệ thống cột kèo được làm bằng gỗ, ngói lợp bằng ngói mũi hài để giữ nét truyền thống và đảm bảo tính bền vững của công trình.
Vậy là từ nay nhà chùa, bà con Phật tử đã có một ngôi Tam Bảo với khuôn viên khang trang đẹp đẽ để sinh hoạt tín ngưỡng. Đại lễ sẽ được tổ chức trong 2 ngày: 25 và 26 tháng 11 năm 2023./