Mặc dù, không phải là địa danh mới, nhưng thời gian qua, Chùa Am hay còn gọi là Chùa Am Mây Trắng, ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vãn cảnh, lễ Phật, bởi nơi đây có không gian thanh tịnh và đặc biệt trồng hơn 5.000 cây sen đá – là biểu tượng cho ý chí kiên cường, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; cũng là gửi gắm, nguyện cầu mang đến sự bình an, may mắn.
Từng đến thăm nhiều ngôi chùa tại Việt Nam nói chung cũng như Thái Nguyên nói riêng, Đại đức Viharagala Pagngnaloka, Quốc tịch Srilanka có ấn tượng đặc biệt sâu sắc khi đến thăm Chùa Am Mây Trắng. Sau khi được tham quan, tìm hiểu, giới thiệu về lịch sử truyền thống của ngôi chùa đã giúp cho Đại đức hiểu hơn về văn hóa của người Việt cũng như sự phát triển và gắn bó của Phật giáo trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Đại đức Viharagala Pagngnaloka chia sẻ: "Tôi thấy Chùa Am Mây Trắng rất đẹp và bình yên. Mặc dù, đã đi nhiều chùa ở Việt Nam, nhưng đây là 1 ngôi chùa mà tôi cảm thấy rất ấn tượng về cách trang trí; địa thế của chùa mang đến cho tôi cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, Srilanka và Việt Nam là 2 quốc gia có khoảng cách địa lý rất xa nhưng có 1 điểm chung đều là các đất nước có tôn giáo Phật giáo, nên khi đến đây tôi cảm thấy có sự gắn kết, như 1 ngôi nhà của mình; đồng thời, tôi cảm nhận được sự chân tình, nhận được sự giúp đỡ của các học viên, quý thầy cô Việt Nam đang du học tại Srilanka và phật tử tại Việt Nam".
Nằm trên một ngọn núi cao dưới chân dãy Tam Đảo, thuộc xóm Bậu, xã Văn Yên, Đại Từ, chùa Am (am Mây Trắng, theo cách gọi của người dân địa phương) là một ngôi chùa cổ thanh tịnh. Chùa có thế lưng tựa núi, bốn mùa mây bao phủ, nhìn ra hồ Núi Cốc. Cảnh quan nơi đây yên lành, không khí thanh tịnh, là nơi lui tới của nhiều phật tử.
Chùa Am có từ lâu đời, năm 1946, do chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên chùa bị phá hủy. Giai đoạn 1946-1951, nơi đây được Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cầu sử dụng làm kho quân trang và kho muối phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến năm 1990, nhân dân địa phương phát tâm công đức xây dựng lại; năm 2002, một số phật tử vận động tôn tạo lại chùa khang trang hơn.
Điểm nhấn ở chùa Am khiến mọi người vô cùng thích thú khi đến tham quan, vãn cảnh là ở đây có hàng nghìn cây sen đá, góp phần tạo cảnh quan độc đáo cho ngôi chùa. Hiện, đây là ngôi chùa có nhiều cây sen đá nhất tỉnh Thái Nguyên.
Các loại sen đá được trồng nhiều trong chùa Am, với ý nghĩa mang thiên nhiên gần hơn đến con người. Sen đá có khả năng thích nghi tốt và không tốn công chăm sóc, được coi là biểu tượng cho sức sống dẻo dai, cổ vũ con người kiên trì, mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Những chiếc cánh sen đá đan xếp vào nhau, nở bung tựa như đài sen của Quan Âm Bồ Tát, thể hiện sự may mắn và vinh hoa phú quý, mang đến cảm giác bình yên và hạnh phúc cho mọi người khi đến vãn cảnh chùa.
Chùa Am Mây Trắng là một ngôi chùa cổ, tọa lạc tại một ngọn núi cao dưới chân dãy Tam Đảo. Năm 1946, do chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên chùa bị phá hủy. Từ năm 1946-1951, nơi đây được Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cầu sử dụng làm kho quân trang và kho muối phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1990, chùa được nhân dân xây dựng lại; năm 2002, một số phật tử vận động tôn tạo lại chùa khang trang hơn. Chùa thờ tượng Phật, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Với vị thế lưng tựa núi, trước mặt nhìn ra Hồ Núi Cốc, cảnh quan yên lành, không khí thanh tịnh, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chùa đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, lễ Phật.
Ông Phạm Đình Tuấn, du khách Hà Nội cho hay: "Đến thăm di tích Chùa Am tôi thấy phong cảnh rất đẹp, hữu tình, còn những nét nguyên sơ của vùng rừng núi. Đến chùa để cầu mong quốc thái dân an, mọi người dân đều được hạnh phúc".
Chị Trần Thị Hoài, xóm Dưới 2, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: "Chùa Am chọn sen đá là ý tưởng trang trí Tết bởi sự thân thiện với môi trường, hướng các bạn trẻ gần gũi với thiên nhiên hơn".
Là điểm di tích lịch sử, Chùa Am Mây Trằng có ý nghĩa quan trọng góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác duy tu, sửa chữa tiếp tục cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương, từ đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của phật tử và nhân dân địa phương